Lệch Khớp Thái Dương Hàm

Share:


Lệch khớp thái dương hàm là một dạng bệnh lý răng hàm mặt đang có xu hướng gia tăng mạnh trong những năm gần đây. Bệnh phát triển trong âm thầm, mãn tính, ít triệu chứng nhận biết nên thường khó phát hiện rất. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị kịp thời, khớp thái dương hàm sẽ bị phá hủy toàn bộ, ảnh hưởng đến cấu trúc hàm mặt.

Lệch Khớp Thái Dương Hàm Là Gì, Có Biểu Hiện Ra Sao?


Lệch khớp thái dương hàm còn có các tên gọi khác là viêm khớp thái dương hàm, rối loạn thái dương hàm hay trật khớp thái dương hàm. Đây là tình trạng mất cân bằng giữa khớp nối xương hàm dưới với xương sọ, khiến hệ thống ăn nhai không hoạt động bình thường. Bệnh này khá phổ biến trong thời gian gần đây, có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em.

Theo các bác sĩ – chuyên gia nha khoa răng hàm mặt, bạn hoàn toàn có thể nhận biết bệnh lý lệch khớp thái dương hàm thông qua các triệu chứng sau đây:

  • Thời gian đầu, bạn sẽ có cảm giác mỏi và không thoải mái ở các cơ vận động hàm, đặc biệt khi há miệng và ăn nhai.
  • Cảm giác đau đầu, đau nhức trong và xung quanh tai, đau hàm và đau nhức mặt xuất hiện.
  • Khi bạn há miệng hoặc ngậm miệng dễ phát ra tiếng lục cục hay lốp cốp, kèm theo các cơn đau hàm.
  • Hàm bị kẹp, bị đơ cứng khớp hoặc đưa ra trước quá mức.
  • Có cảm giác mỏi mặt hoặc sưng mặt một bên, khớp thái dương hàm đau nhức, khiến khuôn mặt bị lệch.

Nguyên Nhân Gây Lệch Khớp Thái Dương Hàm Là Do Đâu?


Cho đến nay, các chuyên gia nha khoa vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng lệch khớp thái dương hàm. Tuy nhiên, họ cho rằng, căn bệnh này xảy ra có thể là do các yếu tố sau tác động:

  1. Do khớp thái dương hàm nhiễm khuẩn, bị chấn thương cấp, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, viêm – thoái hóa khớp thứ phát gây lệch khớp thái dương hàm.
  2. Do khớp thái dương hàm bị chấn thương do va đập mạnh (tai nạn giao thông, té ngã,…). hoặc do há miệng quá rộng một cách đột ngột, dẫn đến trật (lệch) khớp.
  3. Do những thói quen xấu như nghiến răng khi ngủ, ăn nhai một bên hàm, nằm ngủ nghiêng một bên, thường ăn nhai những thực phẩm dai hoặc cứng một bên,… lâu ngày sẽ khiến khớp thái dương hàm bị lệch.
  4. Do bị trật đĩa khớp, sau khi mất răng (mất các răng số 6, 7, 8), hoặc răng mọc lệch, mọc chen chúc, khập khểnh, chồng chéo lên nhau,… khiến khớp cắn bị sai lệch, dẫn đến lệch khớp thái dương hàm.


Biện Pháp Điều Trị Bệnh Lệch Khớp Thái Dương Hàm


Khi phát hiện các triệu chứng của lệch khớp thái dương hàm, bạn nên đến ngay bệnh viện hoặc trung tâm nha khoa uy tín để được bác sĩ thăm khám và tư vấn hướng xử lý tốt nhất. Hiện nay, để khắc phục dứt điểm căn bệnh này, các bác sĩ thường áp dụng kĩ thuật điều trị không xâm lấn hoặc điều trị có xâm lấn, cụ thể như sau:

  • Điều trị không xâm lấn: Bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng một số loại thuốc như thuốc kháng viêm – dùng ở dạng tiêm giúp giảm đau cơ và đau khớp hiệu quả, thuốc giảm đau, chống trầm cảm dùng trước khi đi ngủ. Bên cạnh đó, kết hợp các phương pháp vật lí trị liệu, bao gồm: xoa nắn – điều chỉnh lại khớp, chiếu tia hồng ngoại, tập vận động hàm dưới, đeo máng nhai, chườm nóng để tăng tuần hoàn vùng khớp và giúp cải thiện triệu chứng đau đầu. Ngoài ra, điều trị tâm lý còn giúp người bệnh thư giãn, giảm stress, giúp tinh thần người bệnh thoải mái hơn.
  • Đối với những trường hợp lệch khớp thái dương hàm ở mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ điều trị bằng cách cho bạn uống thuốc hoặc sử dụng vật lí trị liệu, điều trị tâm lý.
  • Đối với điều trị có xâm lấn: Có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau như mài chỉnh khớp cắn, phẫu thuật chỉnh nha, phẫu thuật nội soi khớp đơn giản, nội soi khớp phức tạp, phẫu thuật thay khớp, chọc rửa khớp,… Tùy theo tình trạng cụ thể của bạn mà bác sĩ sẽ lựa chọn hướng điều trị tốt nhất, đảm bảo mang lại hiệu quả tối ưu.


Nếu các biện pháp chữa trị mang lại hiệu quả tốt, tình trạng lệch khớp thái dương hàm sẽ khỏi hẳn chỉ sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, sau khi lành bệnh, để không tái phát trở lại, bạn chỉ nên ăn uống những thực phẩm mềm, dễ nhai và dễ nuốt. Đặc biệt, từ bỏ những thói quen xấu như nghiến răng, nhai một bên hàm, ngủ nghiêng một bên,…

Bạn cũng nên massage nhẹ nhàng vùng hàm mặt thường xuyên, khoảng từ 2 – 3 lần/ngày, súc miệng với nước muối ấm loãng để giúp khoang miệng sạch khuẩn. Đồng thời, cố gắng tham gia các hoạt động thể thao – vui chơi lành mạnh để giảm căng thẳng và lo âu sau thời gian học tập, làm việc đầy căng thẳng.

Không có nhận xét nào